Những câu hỏi thường gặp

Với đội ngũ chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm của AFNOR sẽ tư vấn cho bạn mọi vấn đề một cách nhanh chóng nhất

Doanh nghiệp có thể hoạt động mà không cần hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) ?

Trả lời: Không có HTQLCL, một doanh nghiệp (DN) vẫn có thể hoạt động bình thường, và cung cấp SP/DV phù hợp bình thường.

Vậy, HTQLCL sẽ đem lại lợi ích gì ?
+ Tăng cường tính tổ chức trong DN: giúp xây dựng các phương pháp, các giá trị, các nguyên tắc, tạo khung và ý nghĩa cho công việc, trước hết là cho Sản xuất (nhiều hơn, tốt hơn);
+ Quan tâm đến yêu cầu của khách hàng và các bên hữu quan, và sự tiến triển của các yêu cầu.
+ Cải tiến liên tục các quy tắc thực hành ở mọi cấp.

Nhiều DN đã làm rồi, nhưng nay họ sẽ làm một cách tự nguyện, có HỆ THỐNG, có tổ chức, không phải là tự phát nhờ thiện chí của một số nhân viên, nghĩa là phải có nguyên tắc, có mẫu (theo tiêu chuẩn), có phương pháp.

Kết luận: DN có thể làm việc mà không cần đến nguyên tắc Quản lý Chất lượng, cũng như có thể làm việc mà không cần có tổ chức, không cần có chiến lược. Nhưng sẽ bảo đảm hơn cho sự phát triển và trường tồn của DN nếu hoạt động theo những nguyên tắc (tiêu chuẩn) đó.

Nền tảng của ISO 9001 hay HTQLCL là gì ?

Trả lời: Tổ chức/ DN muốn triển khai các hoạt động trên cơ sở HTQLCL, sẽ dựa vào 3 nền tảng (căn bản):

  1. Thỏa mãn Khách hàng (KH) và các bên hữu quan.
    Nguyên tắc đầu tiên của ISO: tập trung vào KH và các bên hữu quan.
  2. Đạt các mục tiêu của bản thân DN về kinh tế & xã hội (lý do tồn tại của DN) một cách hiệu quả (tức có lợi nhuận).
  3. Cải tiến liên tục (nhằm thích nghi với Môi trường).

Nhiều doanh nghiệp (DN) đã tự biết và áp dụng rồi. Nay, Tiêu chuẩn ISO 9001 chỉ đề xuất với DN một phương pháp tự nguyện, được cấu trúc và tổ chức theo hướng đó.

Phải chăng chất lượng nghĩa là tuyệt đối không có điểm "không phù hợp", hay nói cách khác, Chất lượng = 0 NC* ?

(*NC: Non conformity)

Trả lời: Nếu là nhà bảo sanh, cơ sở sản xuất thắng (phanh) xe ô-tô, mô-tô … thì NC (điểm không phù hợp) hoàn toàn không thể chấp nhận được. Rõ ràng là chất lượng sản phẩm & dịch vụ của những cơ sở này có ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn (tính mạng) của con người (có thể gây HẬU QUẢ rất nghiêm trọng).

Ngược lại, đối với một số ngành nghề khác như sản xuất đinh, ốc-vít, … khách hàng (KH) có thể chấp nhận một vài sản phẩm gọi là “không phù hợp”, Như vậy, không nhất thiết phải yêu cầu kết quả tuyệt đối = 0 NC. Vì sao?

Chi phí để đạt kết quả = 0 NC sẽ rất cao, mà NGUỒN LỰC của doanh nghiệp (DN) không phải là vô tận.

Kết luận:
Hệ thống Quản lý Chất lượng (HTQLCL) mà không đem lại lợi nhuận cho DN, là không hữu dụng. Tất nhiên KH luôn là trung tâm của HTQLCL, nhưng HTQLCL cũng phải đem lại lợi nhuận cho DN.

Trước khi triển khai HTQLCL, thiết nghĩ DN cần xác định rõ các mục tiêu: tăng doanh số, tăng lợi nhuận, tăng năng lực cạnh tranh!

Tổ chức chứng nhận được TÍN NHIỆM trên cơ sở nào?

Trả lời: Để được TÍN NHIỆM, một “tổ chức chứng nhận" hay CB (Certification body) cần được sự công nhận của một “tổ chức công nhận" hay AB (Accreditation Body) có uy tín.

Trên tinh thần này, AFNOR được sự công nhận của tổ chức COFRAC. Vậy COFRAC là gì ?

COFRAC, (Comité Français d’Accréditation) là cơ quan công quyền cấp quốc gia duy nhất (Pháp) được chỉ định theo luật, và được trao đầy đủ thẩm quyền để CÔNG NHẬN năng lực của các tổ chức như:
1/ Phòng thí nghiệm thực hiện các hoạt động thử nghiệm và kiểm định ;
2/ Phòng thí nghiệm Y-Sinh học;
3/ Các tổ chức thực hiện so sánh (đối chiếu) giữa các Phòng Thí nghiệm như:
+ Các tổ chức Thanh tra
+ Các tổ chức Chứng nhận (ISO)

Tiêu chuẩn ISO/CEI 17000 định nghĩa sự công nhận là «Giấy CHỨNG NHẬN được cấp bởi một bên thứ ba, liên quan đến một “tổ chức đánh giá sự phù hợp"; nó là sự thừa nhận chính thức đối với năng lực của tổ chức đó trong việc thực hiện các hoạt động chuyên biệt về đánh giá sự phù hợp».
Điều này thể hiện qua sự kiểm soát ở cấp độ 2, đối với các Phòng Thí nghiệm, các tổ chức Thanh tra và các Tổ chức Chứng nhận, nhằm chứng thực năng lực của những tổ chức đó, trong việc thực hiện các hoạt động Kiểm định, Thử nghiệm hay Thanh tra hay Chứng nhận các Sản phẩm, các Hệ thống hay Con người.

Mục đích tối hậu của quá trình CÔNG NHẬN là xác lập niềm tin (của người tiêu dùng) vào các dịch vụ được cung cấp; CÔNG NHẬN phải được xem là cấp độ kiểm soát cuối cùng đối với các hoạt động “đánh giá sự phù hợp", xét về phương diện NĂNG LỰC KỸ THUẬT.
Tất nhiên, niềm tin này chỉ được xác lập với điều kiện là bản thân tổ chức CÔNG NHẬN phải hoàn toàn không thể chê trách vào đâu và không thể nghi ngờ.
Do đó, có nhiều yêu cầu mà một tổ chức CÔNG NHẬN phải đáp ứng, điều này được thể hiện trong tiêu chuẩn ISO/CEI 17011 : ĐỘC LẬP, VÔ TƯ, MINH BẠCH và NĂNG LỰC.

IQNet, là gì?

Trả lời: IQNet (International Quality Network) là một mạng lưới quốc tế gồm có 36 tổ chức chứng nhận hàng đầu thế giới (Âu Châu, Á Châu, Úc và Bắc Mỹ), trong đó có AFNOR (Pháp). Là thành viên của mạng lưới này, AFNOR cung cấp cho khách hàng nhiều lợi ích, trong đó, khả năng điều phối các kế hoạch đánh giá quốc tế hay điều hòa các quá trình chứng nhận, và giúp củng cố sự thừa nhận ở phạm vi quốc tế, đối với khách hàng được chứng nhận. IQNet có mặt tại 150 quốc gia và đã chứng nhận cho hơn 300.000 tổ chức, tức gần 40% các chứng nhận về hệ thống quản lý trên thế giới. Vui lòng tham khảo:  http://www.iqnet-certification.com/

5b- Thành viên của IQNet gồm những tổ chức Chứng nhận nào?
Vui lòng click vào đường dẫn sau đây, để có danh sách các thành viên IQNet:  http://www.iqnet-certification.com/partnersofiqnet5.php

5c- Lợi ích của việc được cấp chứng chỉ IQNet ?
Trả lời: Doanh nghiệp (DN) được cấp chứng chỉ IQNet, giống như là được cấp thẻ thông hành quốc tế, nhờ đó mà DN được thừa nhận ở phạm vi toàn cầu, điều này giúp DN tiếp cận được thị trường thế giới. Như vậy, IQNet giúp đơn giản hóa quá trình chứng nhận ở phạm vi quốc tế và giảm thiểu chi phí liên quan.

MUỐN TẠO SỰ KHÁC BIỆT THÔNG QUA CHẤT LƯỢNG …
DN CẦN CÓ ĐỐI TÁC (Tổ chức chứng nhận) XỨNG TẦM VỚI THAM VỌNG CỦA MÌNH.

5d- Giá trị quốc tế của Chứng chỉ IQNet ?
Trả lời: Tất cả các thành viên IQNet đều tham gia ký kết Thỏa thuận Đa phương: “IQNet Multi-Lateral Agreement“.
Điều này có nghĩa là các thành viên IQNet thừa nhận lẫn nhau các chứng chỉ ISO 9001, ISO 14001 và nhiều chứng chỉ khác mà từng thành viên cấp cho khách hàng của riêng họ.
Các Chứng chỉ IQNet là bằng chứng chính yếu về sự thừa nhận quốc tế này. Chúng được cấp bởi các tổ chức Chứng nhận thuộc mạng lưới IQNet, cho khách hàng riêng của từng thành viên. Niềm tin vào giá trị tương đương của các chứng chỉ được xây dựng trên cơ sở những đánh giá chéo định kỳ và nghiêm ngặt trong mạng lưới.

5e- DN nào ở Việt Nam hiện đang nắm giữ Chứng chỉ IQNet?

Trả lời: Có thể liệt kê một số DN tiêu biểu:

Nhóm I, đang nắm giữ Chứng chỉ AFAQ ISO 9001 + Chứng chỉ IQNet ISO 9001:
+ Nectokin Electronics Vietnam Co. Ltd.
+ Vinakyoei Steel Co. Ltd.
+ Mitsuba M-Tech Vietnam Co. Ltd
+ Aureole Information Technology Inc.
+ Petro Vietnam Manpower Training College
+ Century Synthetic Fiber Corporation
+ Kotobuki SEA Co. Ltd…

Nhóm II, đang nắm giữ Chứng chỉ AFAQ ISO 14001 + Chứng chỉ IQNet ISO 14001:
+ Nectokin Electronics Vietnam Co. Ltd.
+ Vinakyoei Steel Co. Ltd.
+ Mitsuba M-Tech Vietnam Co. Ltd…

Tiêu chuẩn là gì? Tại sao phải tiêu chuẩn hóa?

Trả lời: Nhiều người sẽ ngạc nhiên về tầm quan trọng của các tiêu chuẩn trong cuộc sống thường ngày của chúng ta !

Ngoài các sản phẩm và thiết bị công nghiệp, TIÊU CHUẨN HÓA còn bao trùm nhiều lãnh vực mới: dịch vụ, rủi ro, quản lý … và – ngoài các ủy ban tiêu chuẩn – có sự tham gia ngày càng nhiều hơn của những thành phần khác như cộng đồng địa phương, các hiệp hội: người Tiêu dùng, người làm Nghề tự do, Thợ thủ công,v.v.

Có mối liên hệ nào giữa một tờ giấy A4, nước uống, mũ bảo hiểm và nồi áp suất ? Đó là TIÊU CHUẨN HÓA !
Những yếu tố này đã là đề tài cho nhiều cuộc thảo luận quan trọng ở cấp quốc gia (Pháp, đại diện bởi AFNOR), Châu Âu và quốc tế, nhằm đạt sự đồng thuận về các chuẩn mực mà chúng phải đáp ứng. Quá trình này giúp thiết lập sự thoả hiệp tốt nhất giữa trạng thái của một công nghệ/ một thủ tục và các rào cản kinh tế.

Điều gì đã khiến các thành viên các uỷ ban tiêu chuẩn trên toàn thế giới, đầu tư vào những công trình quy mô này ? Đó chính là ý chí xác định một mức độ CHẤT LƯỢNG & AN TOÀN cho các sản phẩm hay dịch vụ. Nhờ vậy mà người tiêu dùng sau cùng được yên tâm rằng:
+ Máy xay cà-phê sẽ không phát nổ do áp suất không được kiểm soát đúng mức;
+ Nút dừng khẩn cấp trên máy công cụ được thiết kế ở vị trí dễ thấy và trong tầm tay người công nhân;
+ Thẻ thanh toán (VISA, MASTER, …) có thể đút vào máy tại bất kỳ địa điểm đến nào trên khắp thế giới;
+ Các container vận chuyển hàng hoá, thích hợp với tàu thuỷ, xe tải, tàu hoả trên toàn thế giới, …

TIÊU CHUẨN tạo thuận lợi cho sự lưu thông tự do của sản phẩm trên thị trường, bằng cách tạo thuận lợi cho khả năng tương thích trong thao tác và so sánh giữa các sản phẩm và dịch vụ.

TIÊU CHUẨN cũng là thách thức chính cho các DN. Chúng góp phần nâng cao tính cạnh tranh giữa các DN, và cho phép sự hợp lý hoá trong sản xuất hay hoạt động.

TIÊU CHUẨN HÓA các phương pháp tổ chức (còn gọi là tiêu chuẩn hoá các HỆ THỐNG QUẢN LÝ) cho phép các tổ chức (công và tư) có những quy tắc thực hành tốt nhất nhằm TỐI ƯU HÓA nguồn lực (con người, vật liệu, tài chánh) và đạt hiệu quả cao hơn.

Như vậy, các tiêu chuẩn quản lý CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN và MÔI TRƯỜNG, cung cấp những công cụ mang tính phương pháp nhằm cải tiến HIỆU QUẢ của các tổ chức.

Nói về ISO, ngoài tiêu chuẩn ISO 9001, còn có những tiêu chuẩn ISO nào khác? Có mối liên hệ nào giữa chúng?

Khi nói đến ISO, nhiều người nghĩ ngay đến ISO 9001, tưởng chừng như đó là “tất cả" về ISO !
ISO 9001 là tiêu chuẩn của Hệ thống Quản lý CHẤT LƯỢNG, nhưng nó là tiêu chuẩn căn bản hay “trụ cột" của các Hệ thống Quản lý. Đối với từng lĩnh vực hay ngành công nghiệp chuyên biệt, tiêu chuẩn ISO 9001 có những “biến cách" cụ thể:
+ Kỹ nghệ HÀNG KHÔNG, có tiêu chuẩn EN 9100,
+ Công nghiệp THỰC PHẨM, có tiêu chuẩn ISO 22000,
+ Kỹ nghệ Ô-TÔ, có tiêu chuẩn ISO/TS 16949…

Như vậy, tiêu chuẩn Chất lượng ISO 9001 đã được thiết kế nhằm có thể lắp ghép thuận lợi với các tiêu chuẩn khác như ISO 14001 (Hệ thống Quản lý MÔI TRƯỜNG) và ISO 45001 (thay cho OHSAS 18001) : HTQL AN TOÀN & SỨC KHỎE nghề nghiệp. Trong thế giới doanh nghiệp, đó là “bộ ba" rất thịnh hành, được gọi tắt là QSE (Chất lượng – An toàn – Môi trường). Do đó mà chức danh QSE hay QHSE manager hiện diện trong sơ đồ tổ chức của một số doanh nghiệp. Ngoài ra, còn phải kể đến tiêu chuẩn ISO 26000 (HTQL TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI).

Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là tiêu chuẩn ISO 9001, vì đó là công cụ CĂN BẢN, giúp Ban Giám-Đốc xem xét một cách hệ thống, các nhu cầu và mong đợi của khách hàng, của nhân viên và của xã hội. Điều này giải thích vì sao ISO 9001 là công cụ được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới; nó giúp nhà quản lý lèo lái doanh nghiệp hay tổ chức của mình một cách hiệu quả. Nó là công cụ “nền tảng" nhằm bảo đảm nhu cầu của khách hàng (hay người tiêu dùng) luôn được xem xét có HỆ THỐNG, và doanh nghiệp đáp ứng được các nhu cầu đó một cách phù hợp và bền vững.

Mục tiêu chính của ISO 9001 là giúp các tổ chức/ doanh nghiệp phát triển bền vững, theo nguyên tắc CẢI TIẾN LIÊN TỤC. Theo thời gian, tiêu chuẩn này đã trở thành một công cụ quản lý, giúp nâng cao KHẢ NĂNG CẠNH TRANH của doanh nghiệp. Về phương diện này, Nhật và Đức là hai quốc gia thường được nhắc đến nhiều nhất, bởi họ rất thấu hiểu điều này: chỉ riêng 2 quốc gia này, đã chiếm tỷ lệ 10% số doanh nghiệp được chứng nhận trên toàn thế giới !

Làm thế nào kiểm tra tính xác thực của chứng chỉ ISO.., Do Afnor Certification cấp?

Trả lời: Tất cả các chứng chỉ:  ISO 9001, ISO 14001, ISO 45001 (thay cho OHSAS 18001), ISO TS 16949, … do AFNOR Certification cấp cho khách hàng (tổ chức/ DN), đều có mã số nhất định, bao gồm 12 chữ số. Bất kỳ ai cũng có thể kiểm tra tính xác thực của một giấy Chứng nhận nào đó (được cho là do AFNOR Certification cấp) qua đường link:

https://certificats-attestations.afnor.org/certification= ..

[12 chữ số của khách hàng được chứng nhận].

Thí dụ, đối với CASE (Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm Tp.HCM), chứng chỉ được cấp ngày 24-10-2014, có mã số: 336974310187. Muốn kiểm tra, chỉ cần theo đường link:
https://certificats-attestations.afnor.org/certification=33…

Kể từ tháng 12-2015 , mỗi Chứng chỉ do AFNOR Certification cấp, còn có thêm một QR code, việc kiểm tra có thể thực hiện nhanh và đơn giản hơn với smartphone, như sau:
Bước 1- Download phần mềm QR Reader từ Internet;
Bước 2- Scan QR code trên một Chứng chỉ (đã in ra giấy), được cho là do AFNOR Certification cấp: nếu đó là Chứng chỉ thật sự do AFNOR Certification cấp, một đường link như trên sẽ hiện ra, cho phép tìm thấy Chứng chỉ.

Thí dụ, hãy theo đường link sau đây, để biết giấy Chứng nhận của công ty Proconco Hải Phòng là có thật:

https://certificats-attestations.afnor.org/certification=23…

Một đối tác cho biết là doanh nghiệp của họ được IQNet cấp chứng nhận. Làm sao kiểm tra thông tin này?

Trả lời:
Bước 1- Trước khi được IQNet chứng nhận, đối tác của bạn nhất thiết phải được chứng nhận bởi một tổ chức Chứng nhận nào đó, và tổ chức Chứng nhận đó phải là thành viên của IQNet (thí dụ: AFNOR Certification). Vậy, cần biết tổ chức Chứng nhận nào đã chứng nhận cho doanh nghiệp đối tác của bạn?

Ghi chú: Cần lưu ý là IQNet không bao giờ cấp Chứng nhận trực tiếp cho một tổ chức/ doanh nghiệp, mà luôn cấp Chứng nhận thông qua một tổ chức Chứng nhận thành viên của IQNet.

Bước 2- Sau khi đã xác định được tổ chức Chứng nhận này, bạn sẽ vào trang web của IQNet, để xem danh sách các thành viên. Nếu tổ chức Chứng nhận đó là thành viên của IQNet, thì tên của tổ chức này nhất thiết được thể hiện tại đây (http://www.iqnet-certification.com).

Tiêu chuẩn ISO 45001 có lợi gì cho doanh nghiệp?

Theo tổ chức ILO (International Labour Organization), thành viên tích cực của Ủy Ban Soạn thảo Tiêu chuẩn ISO 45001 (thay cho OHSAS 18001, gánh nặng kinh tế hàng năm, xuất phát từ những thiệt hại do thói quen thực hành xấu về AN TOÀN & SỨC KHOẺ NGHỀ NGHIỆP, tương ứng với 4% GDP.

Đối với Doanh nghiệp, tức người sử dụng lao động, chi phí này rất quan trọng:
+ Nhân viên nghỉ hưu trước tuổi
+ Mất nhân viên có kỹ năng
+ Nhân viên vắng mặt thường xuyên do bị ốm, tai nạn
+ Phí bảo hiểm tăng lên
Tất cả đều xuất phát từ tai nạn và bệnh nghề nghiệp.

Từ trước tới nay, những lợi ích mà OHSAS 18001 mang lại cho người lao động, người sử dụng lao động và xã hội nói chung, là không thể chối cãi.
Nay, tiêu chuẩn ISO 45001 được xem là một bước tiến lớn so với OHSAS 18001 …

Chứng nhận sản phẩm NF là gì ?

Trả lời: Trong khi ISO là tiêu chuẩn để chứng nhận HỆ THỐNG QUẢN LÝ, thì NF là tiêu chuẩn để chứng nhận SẢN PHẨM. Có hàng trăm tiêu chuẩn NF khác nhau để chứng nhận cho hàng trăm nhóm sản phẩm khác nhau, từ sản phẩm tiêu dùng trong gia đình đến thiết bị công nghiệp. Một cách tổng quát, mỗi nhóm sản phẩm muốn được chứng nhận NF phải đáp ứng các yêu cầu về hiệu quả, chất lượng, an toàn và thân thiện môi trường. Đầu tiên là cơ sở sản xuất phải được chứng nhận Hệ thống Quản lý Chất lượng (ISO 9001). Sau đó, mới đến chứng nhận NF. Quá trình này bao gồm:

+ Đánh giá (audit) cơ sở sản xuất, theo một/ nhiều tiêu chuẩn nhất định (khác với ISO), bao gổm: nguồn gốc nguyên liệu, các loại vật liệu sử dụng, phương pháp & thiết bị sản xuất, phương pháp & thiết bị kiểm tra, quá trình đóng bao, phương pháp & phương tiện vận chuyển, lưu kho, phân phối …

+ Sản phẩm được thử nghiệm, kiểm định tại cơ sở sản xuất, có bằng chứng, có báo cáo kết quả theo định kỳ,

+ Phương pháp kiểm tra nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm, tần số, thiết bị đo lường sử dụng,

+ Phương pháp, thiết bị, tần suất kiểm tra, kiểm định thiết bị đo lường,

+ Sản phẩm được gửi đi thử nghiệm, kiểm định tại một phòng thí nghiệm độc lập được thừa nhận, …

Chứng nhận NF không chỉ được thừa nhận trong phạm vi nước Pháp hay Châu Âu mà khắp thế giới.

Tại Việt Nam, đã có trường hợp Chứng nhận NF ?

Trả lời: Có một số sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đã/ đang được chứng nhận NF:

+ Sơn, vec-ni và sản phẩm liên quan (NF130). Nơi SX: Long An,

+ Xi-măng, chất kết dính thủy lực (NF002). Nơi SX: Quảng Ninh.

Nhãn sinh thái là gì?

Trả lời : Tại các nước phát triển, người dân có ý thức rất cao về bảo vệ môi sinh, nên họ thường chọn mua những sản phẩm & dịch vụ (SP&DV) đáp ứng các tiêu chí này. Trước thực tế đó, và cũng xuất phát từ yêu cầu luật định, các cơ quan công quyền đề xướng thành lập NHÃN SINH THÁI, nhằm mục đích phân biệt những SP&DV đáp ứng các tiêu chí mong muốn.

Về phương diện này, có 2 Nhãn Sinh thái được thừa nhận rộng rãi :

+ NHÃN NF Environnement ra đời năm 1991

+ NHÃN Ecolabel EU ra đời năm 1992

Cả 2 đều do AFNOR Certification chứng nhận. Chúng được thừa nhận không chỉ trong phạm vi nước Pháp hay Châu Âu, mà khắp thế giới.

Các doanh nghiệp Việt Nam có kế hoạch đưa sản phẩm sang thị trường Pháp hay Châu Âu, cần quan tâm đến khía cạnh này.

Tại VN, đã có trường hợp Chứng nhận Nhãn Sinh thái?

Trả lời : Tại Việt Nam, đã có sản phẩm được chứng nhận Nhãn Sinh thái:

+ Tranh sơn mài (NF Environnement). Nơi SX : Bình Dương.

CE marking (Dán nhãn CE) là gì?

« Dán nhãn CE » ra đời nhằm mục đích điều hòa hệ thống văn bản pháp quy giữa các quốc gia EU, liên quan đến yêu cầu  kỹ thuật đối với một số sản phẩm lưu hành trên lãnh thổ EU.

« CE marking » không phải là một tiêu chuẩn CHỨNG NHẬN, cũng không có nghĩa là sản phẩm được sản xuất tại Châu Âu, nhưng nó có tính bắt buộc đối với những sản phẩm chịu sự chi phối của một hay nhiều văn bản pháp quy nói trên.

Quá trình « Dán nhãn CE » đòi hỏi sản phẩm phải được kiểm tra/ kiểm định trên cơ sở các văn bản pháp quy liên quan, bởi cơ quan có thẩm quyền, được sự chuẩn thuận của Bộ Lao động của một quốc gia thành viên EU.

Sản phẩm « Dán nhãn CE » phải đáp ứng các YÊU CẦU THIẾT YẾU về AN TOÀN & SỨC KHỎE (EESS),  của từng văn bản pháp quy áp dụng cho sản phẩm đó, như :

+ Quy định CEM : sự tương thích về điện từ (compatibilite electro-magnetique),

+ Quy định DBT : Điện áp thấp (Directive Basse tension),

+ Quy định về máy móc (Directive 2006/42/CE),

+ Quy định ATEX 94/9/CE (đôi khi áp dụng) : thiết bị & hệ thống phòng ngừa sử dụng trong không khí có nguy cơ cháy nổ,

+ Quy định khác áp dụng đối với máy móc.

Ngoài ra, còn có những quy tắc hành chính đối với « Dán nhãn CE », mà nhà sản xuất cần tuân thủ, nếu không sẽ bị xem là phạm luật.

Như vậy, theo mặc định, sản phẩm có « Dán nhãn CE » được quyền lưu thông tự do trên khắp lãnh thổ EU, mà không một quốc gia thành viên EU nào có quyền áp đặt thêm bất kỳ  quy định nào khác ngoài những văn bản pháp quy nêu trên.

« Dán nhãn CE » liên quan đến những sản phẩm nào?

Trả lời : Dưới đây là danh sách (chưa đầy đủ) các văn bản pháp quy liên quan :

+ Thiết bị sử dụng gaz

+ Thiết bị và hệ thống phòng ngừa sử dụng trong không khí có nguy cơ cháy nổ

+ Sản phẩm sử dụng kỹ thuật hòa pháo (pyrotechnie): pháo, chất nổ vá các ứng dụng dân sự và quân sự liên quan (túi khí, đạn, hỏa tiển, …)

+  Thang máy

+ Thiết bị y khoa

+ Du thuyền

+ Sự tương thích điện từ

+ Thiết bị y khoa dùng cấy ghép hoạt tính

+ Thiết bị dùng để chẩn đoán trong ống nghiệm

+ Thiết bị bảo hộ cá nhân

+ Thiết bị chịu áp suất

+ Thiết bị viễn thông

+ Chất nổ dùng vào mục đích dân sự

+ Thiết bị sử dụng cáp để vận chuyển người

+ Thiết bị đo

+ Thiết bị cân không tự động

+ Máy móc

+ Thiết bị sử dụng điện áp thấp

+ Sản phẩm xây dựng

+ Bình chứa áp suất đơn giản

+ Hiệu suất lò hơi sử dụng nước nóng, đốt bằng nhiên liệu lỏng/ khí,

+ Đồ chơi an toàn

Tại Việt Nam đã có trường hợp « Dán nhãn CE » ?

Trả lời : Có, đó là máy móc thiết bị sản xuất theo đơn hàng của một quốc gia thành viên EU. Nơi SX : Tp.HCM.

AFNOR Vietnam có kế hoạch đào tạo Auditor?

Trả lời: Như chúng ta biết, AFNOR Groupe đứng đầu nước Pháp về ĐÀO TẠO trong các lĩnh vực:

+ Quản lý Chất lượng (Quality Management)

+ Quản lý Sức khỏe & An toàn nơi làm việc (H&S Management)

+ Quản lý Môi trường (Environment Management)

+ Quản lý Năng lượng (Energy Management) …

với 16.000 học viên/ năm.

Các khóa học ngắn hạn mang tính thực hành nhằm đào tạo chuyên viên QHSE, Đánh giá viên, chuyên viên Tư vấn.

Ngoài ra, AFNOR Groupe còn hợp tác với nhiều trường đại học nổi tiếng tại Pháp & Châu Âu, đào tạo chính khóa có cấp bằng, đến trình độ MASTER chuyên ngành QLCL.

Về trung/ dài hạn, AFNOR Vietnam cũng sẽ phát triển theo hướng này, thông qua liên kết với một số Đại học có UY TÍN trong nước.

Từ 2017, ngoài những khóa đào tạo theo đơn hàng của doanh nghiệp (in-house training), AFNOR Vietnam còn tổ chức những khóa đào tạo “ngoài doanh nghiệp” (public training), nhằm đào tạo thêm Auditor, và tổ chức THI LẤY BẰNG AUDITOR ICA*, hầu bổ sung nguồn nhân lực chuyên môn cao cho thị trường Việt-Nam.

(*ICA: Institut de Certification des Auditeurs – Viện Chứng nhận Đánh giá viên)

Điều lý thú là kỳ THI LẤY BẰNG AUDITOR ICA không chỉ giới hạn cho học viên, mà được mở rộng cho thí sinh tự do, những người đã có kinh nghiệm thực tế về đánh giá nội bộ (internal audit). Nếu đạt yêu cầu, thí sinh sẽ được chứng nhận đủ năng lực, và có thể chọn làm việc như chuyên viên Đánh giá (Auditor) cho một tổ chức Chứng nhận hoặc hành nghề tự do. Tất nhiên AFNOR Vietnam sẵn sàng tuyển dụng thêm Auditor, từ nguồn lực này.

Vui tham khảo:

https://www.afnor.org/en/training/

Điều kiện dự thi lấy bằng auditor ICA?

*ICA : Institut de Certification des Auditeurs (Viện Chứng nhận Đánh giá viên)

Trả lời : KỲ THI LẤY BẰNG AUDITOR ICA được tổ chức một cách độc lập với các khóa đào tạo Auditor, do đó không chỉ dành riêng cho học viên, mà mở rộng cho mọi thí sinh tự do, miễn là có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn.

Năm 2017, AFNOR Vietnam đã tổ chức thành công các khóa THI LẤY BẰNG AUDITOR ICA như sau:

1/ Quality Auditor ICA (Đánh giá viên HTQL Chất lượng)
2/ QSE Auditor ICA (Đánh giá viên HTQL tích hợp – tức 3 hệ thống: Chất lượng, An toàn & Sức khỏe nơi làm việc, Môi trường)

Điều kiện :
+ Tốt nghiệp đại học, đã trưởng thành trong môi trường doanh nghiệp, và có kinh nghiệm thực tiễn về Hệ thống Quản lý (HTQL),
+ Hiểu biết tốt về một/ nhiều HTQL, cụ thể là 3 hệ thống căn bản trong doanh nghiệp: ISO 9001 :2015 (Chất lượng), ISO 14001 :2015 (Môi trường), ISO 45001 :2016, thay cho OHSAS 18001:2007 (Sức khỏe & An toàn nơi làm việc), …
+ Từng tham dự một/ nhiều khóa học Internal auditor, và thực hành đánh giá nội bộ …
+ MUỐN trở thành Auditor thực thụ (auditor 3rd party), được “QUALIFY” trực tiếp (không cần thêm thời gian tập sự), hầu làm việc độc lập hoặc cộng tác với một tổ chức Chứng nhận quốc tế, đủ tư cách đánh giá cho các tổ chức/ doanh nghiệp trong nước và khu vực Đông Nam Á, …

MUỐN + TIN + HÀNH ĐỘNG = ĐƯỢC

ĐỪNG BỎ LỠ CƠ HỘI!

Điền theo form bên dưới để gửi câu hỏi cho chúng tôi